Bệnh sởi gia tăng, Giám đốc BV Nhiệt đới chỉ rõ sai lầm của cha mẹ khiến con nặng thêm
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hiện đang điều trị, theo dõi cho hơn 30 trường hợp trẻ em mắc sởi nặng. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận 3 - 5 trường hợp nặng, thường tập trung vào trẻ em.
Hiện bệnh sởi gia tăng nhanh chóng tại nhiều địa bàn trên cả nước, trong đó có TP.HCM và Hà Nội. Theo các chuyên gia, phần lớn trẻ mắc sởi đều không được tiêm vắc xin đầy đủ. Đó là chưa tính số trẻ dưới 9 tháng tuổi, ở độ tuổi chưa được tiêm vắc xin sởi, cũng mắc bệnh.
GS.TS. Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh sởi có mức độ lây lan rất nhanh, nhiều trường hợp biến chứng nặng. Trong đó, biến chứng phổ biến là viêm phổi, viêm phế quản gây ngừng thở, tắc thở, bị bội nhiễm, viêm não…
Chuyên gia cho biết, bệnh sởi hoàn toàn có thể chăm sóc tại nhà, với trường hợp mắc nhẹ, các bác sĩ khuyến khích phụ huynh chăm con ở nhà. Và theo tiến trình phát triển bệnh, sau 1 - 2 ngày trẻ sẽ ho, chảy nước mũi có xuất hiện thêm ban mọc trên mặt. Sau đó khoảng 7 - 10 ngày, các triệu chứng sẽ hết, trẻ tự khỏi.
Nếu trẻ có biểu hiện sốt tăng cao, khó thở, thân nhiệt không kiểm soát… thì cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để điều trị.
Tuy nhiên, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cảnh báo thực tế hiện nay nhiều phụ huynh đang sai lầm trong cách chăm sóc cho trẻ nhỏ khiến bệnh của con biến chứng nặng thêm. Điển hình như việc giữ con ở nhà điều trị quá lâu mà không theo dõi sát tình trạng trẻ, nhiều người kiêng gió kiêng nước, không tắm cho trẻ làm trẻ bị bội nhiễm trên da, viêm kết mạc…
Một số phụ huynh nhầm lẫn giữa sởi và sốt phát ban dẫn đến điều trị sai, tình trạng trẻ càng trầm trọng thêm. Theo các bác sĩ, với trường hợp bị sốt phát ban thông thường, triệu chứng hay gặp là người bệnh bị nổi đồng loạt khắp cơ thể những nốt nhỏ màu hồng hoặc đỏ mịn, ẩn dưới bề mặt da. Khi nốt ban “bay” hết, da bệnh nhân sẽ trở về bình thường, không để lại vết thâm hoặc sẹo.
Còn với trường hợp bị bệnh sởi, nốt ban xuất hiện ở từng bộ phận, sau đó vài ngày mới lan xuống toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban gồ lên mặt da, khi “bay” sẽ để lại những vết thâm trên da. Khi trẻ bị sởi có thêm dấu hiệu đặc trưng đi kèm là chảy nước mũi, ho và mắt đỏ.
GS. Kính cũng nhấn mạnh, với bệnh sởi, phòng bệnh là quan trọng và việc tiêm chủng là cần thiết. Vì vậy, phụ huynh nên cho trẻ tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch; riêng phụ nữ mang thai thường dễ mắc sởi cũng nên tiêm nhắc lại để tránh truyền bệnh từ mẹ sang con. Với người lớn có thể tiêm nhắc lại 5 năm/lần.
Trên thực tế cũng rất nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi (nhóm tuổi chưa đến thời điểm tiêm sởi), GS.TS. Nguyễn Văn Kính cho biết, nếu phụ nữ trước khi có ý định mang thai nên đi tiêm phòng sởi để tạo miễn dịch mẹ truyền cho con.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Tiêm vắc xin sởi là một biện pháp hiệu quả phòng bệnh sởi.
THEO SKĐS
- 3 BƯỚC ĐỂ SỐNG HÒA ĐỒNG HƠN - 17/07/2019
- Dân sales mới vào nghề học hỏi kinh nghiệm từ đâu? - 17/07/2019
- 5 giải pháp quan trọng để cải thiện chức năng gan: Người lo mắc bệnh gan nên áp dụng sớm - 12/03/2019
- Ai cũng tiêm vaccine thì sẽ tạo nên "miễn dịch cộng đồng" - điều tuyệt vời trong việc phòng ngừa bệnh - 09/03/2019
- Thịt lợn nhiễm dịch tả châu Phi, người dân có nên tạm tẩy chay thịt lợn? - 07/03/2019
- Thêm bệnh nhân thứ hai trên thế giới được chữa khỏi HIV - 05/03/2019
- Hôm nay, chính thức xóa bỏ sổ khám bệnh - 02/03/2019
- Ăn sầu riêng bạn sẽ đạt được vô vàn những lợi ích chung không tưởng này cho sức khỏe - 01/03/2019
- Theo y học cổ truyền, rau mùi tàu có vị cay hơi đắng, thơm, tính ấm, có tác dụng sơ phong thanh nhiệt, kiệm tỳ, hành khí tiêu thũng, giảm đau. - 28/02/2019
- Thủy đậu đang vào mùa: Dấu hiệu sớm nhất, cách chăm sóc và phòng bệnh bạn nên làm ngay - 27/02/2019